Hơn 200.000 CĐV Brazil đã chết lặng trên khán đài khi chứng kiến đội nhà để vuột mất chức vô địch World Cup ngay trên SVĐ Maracana vào năm 1950.
Brazil vẫn được coi là “thánh địa” của bóng đá dù nước Anh được coi là quê hương của túc cầu giáo. Đây là đất nước duy nhất đã 5 lần vô địch thế giới và cũng là đất nước giữ lại được chiếc cúp vàng phiên bản đầu tiên (Cúp nữ thần vàng – Jules Rimet).
Tuy nhiên, người dân Brazil vẫn luôn đau đáu một điều là đội bóng vàng xanh chưa thể một lần nâng cúp vô địch tại quê nhà. World Cup 2014 sở hữu thất bại có tỉ số lớn nhất trong lịch sử bóng đá Brazil (thua 1-7 trước Đức) nhưng thất bại trước Uruguay tại World Cup 1950 mới là “thảm kịch” của xứ sở Samba.
Gián đoạn 12 năm vì chiến tranh thế giới thứ hai, FIFA tổ chức lại giải vô địch thế giới vào năm 1950 và Brazil được chọn là nước chủ nhà. “Đội tuyển vàng xanh” thời đó được coi là đội bóng mạnh nhất thế giới với những siêu sao như Zizinho, Ademir… nên không chỉ người dân Brazil mà đa phần giới mộ điệu đều cho rằng Selecao sẽ dễ dàng giành chức vô địch.

Một pha bóng trong trận đấu giữa Brazil và Uruguay tại World Cup 1950

Giải đấu đó cũng là một trong những kỳ World Cup “lạ lùng” nhất trong lịch sử khi không có trận chung kết. Bốn đội bóng mạnh nhất sau vòng bảng là Brazil, Uruguay, Thụy Điển và Tây Ban Nha đá vòng tròn một lượt tính điểm để chọn ra đội vô địch.
Zizinho cùng các đồng đội càng khiến người ta tin tưởng khi ghi tới 13 bàn sau hai trận đấu đầu tiên với các đại diện tới từ châu Âu. Brazil chỉ cần hòa trong trận đấu cuối với Uruguay là chính thức giành ngôi vương.
Trước khi trận đấu diễn ra, thị trưởng thành phố Rio khi đó là Angelo Mendes de Moraes thậm chí còn tuyên bố “chào mừng nhà vô địch thế giới” trong khi quan chức FIFA cũng chuẩn bị sẵn bài phát biểu chúc mừng Brazil. Tuy nhiên, khoảnh khắc mong chờ ấy lại không bao giờ tới.
Bàn thắng quyết định của Ghiggia khiến Brazil ôm hận ngàn thu

Ngày 16/7, người dân Rio nô nức đổ về SVĐ Maracana để chứng kiến giờ phút đăng quang của đội nhà. Thời điểm đó, Maracana vẫn chưa được hoàn thiện nhưng sức chứa đã lên tới 167.000 chỗ ngồi. Tuy nhiên, theo một vài thống kê sau này thì trận đấu giữa Brazil và Uruguay đã có tới 200.000 khán giả trong đó chỉ có khoảng hơn 100 CĐV đội khách.
Trận đấu diễn ra sôi nổi ngay từ đầu nhưng người hâm mộ Brazil phải đợi đến đầu hiệp hai mới được ăn mừng khi Friaca mở tỉ số ở phút thứ 47. Pháo sáng cũng như quốc kỳ Brazil tung bay rợp trời trên khán đài.
Tuy nhiên, Schiaffino đã có bàn gỡ hòa cho Uruguay ở phút 66 và toàn bộ khán giả có mặt tại Maracana thời điểm đó đã “chết lặng” khi Ghiggia nâng tỉ số lên 2-1. Sự im lặng đến mức đáng sợ trên khán đài khiến Brazil không thể gượng dậy và chấp nhận thua cuộc.
Cho đến tận bây giờ, người dân Brazil vẫn chưa khi nào nguôi “niềm đau” ấy. Với họ, vô địch World Cup 1950 là hiển nhiên nhưng điều ấy lại không bao giờ tới và thủ thành của Brazil khi đó là Moacir Barbosa đã trở thành “vật tế thần”. Nỗi uất hận của người Brazil lớn đến nỗi phải tới năm 1995, Dida mới là người thủ môn da đen thứ hai trong lịch sử bắt chính cho ĐTQG.
Mỗi khi cụm từ “thảm kịch” được sử dụng, người ta thường liên tưởng đến sự kiện có nhiều thương vong. Tuy nhiên vẫn có một vài trường hợp đặc biệt và “thảm kịch Maracana” chính là một trong số ấy. Đúng là đã có cái chết xảy ra nhưng là cái chết trong tim, trong tâm hồn người Brazil sau trận đấu cuối cùng tại vòng chung kết World Cup 1950.
ĐT Pháp dự World Cup 2002 với tư cách là nhà ĐKVĐ thế giới và châu Âu nhưng đã bị loại sốc bởi Senegal, đội tuyển có lần đầu tiên tham dự World Cup năm đó.

Đánh giá ngay bài viết nhé!
Share.

Leave A Reply