Cách đây không lâu, giới bóng đá đỉnh cao… phát hoảng trước một đề nghị đổi luật: thời gian thi đấu sẽ là “60 phút bóng sống” thay vì 90 phút tính cả thời gian bóng chết như hiện thời.
Hình ảnh có liên quan
Luật ấy mà được áp dụng, ngay cả các chiến binh hàng đầu thế giới cũng sẽ mệt bở hơi tai, bởi thống kê cho thấy các trận bóng đá đỉnh cao tiến được đến mốc “60 phút bóng sống” là không nhiều.
Ở một khía cạnh khác, tình huống ghi bàn luôn được xem là tuyệt đỉnh của niềm vui, vinh quang, kịch tính, nói chung là yếu tố cốt lõi, rực rỡ nhất trong trò chơi bóng đá. Một nghiên cứu từng chỉ ra rằng môn bóng đá thật khó bén rễ ở Mỹ vì khán giả Mỹ khó chấp nhận một điều luôn có thể xảy ra: xem bóng đá mà… không có niềm vui. Đôi bên quyết liệt thi đấu suốt 90 phút, thậm chí có thể đến hẳn 2 giờ, mà cuối cùng vẫn chẳng có lấy một pha ghi bàn, thì… xem làm gì?
Vâng, đấy chỉ là quan niệm, là “gu” thưởng thức, là vấn đề trường phái. Cũng có thể nói ngược lại: giả sử môn bóng đá luôn bảo đảm được rằng sẽ có bàn thắng, thì các tình huống ghi bàn còn gì là quý giá nữa. Vì sao cự ly sút phạt đền cứ phải là 11m – chứ không phải 10m hay 12m? Vì người ta đã tính ra rằng ở cự ly ấy (chính xác là 12 yard, theo đơn vị của người Anh khi luật phạt đền xuất hiện), xác suất thành bàn của quả phạt đền là khoảng 80%. Nó đủ cao để có tính răn đe các hậu vệ thích phạm lỗi. Nhưng nó cũng… đủ thấp để duy trì kịch tính. Ngay cả phạt đền, cũng chưa chắc thành bàn!
Không bao giờ đảm bảo sẽ có bàn thắng, dù bàn thắng có thể xuất hiện bất cứ lúc nào. Hàng chục năm sau khi đã được sử dụng, SVĐ huyền thoại Maracana của Brazil mới xong thủ tục hoàn công, vì những rắc rối liên quan đến… nhà vệ sinh. Suốt một thời gian rất dài, “thánh địa” Maracana xuống cấp nghiêm trọng, có lúc sập cả một phần khán đài, vì thói quen “tè bậy” trong cách sống phóng túng của khán giả Brazil. Nhưng cũng có lập luận ngược lại: làm sao có thể chấp nhận tình trạng bàn thắng xuất hiện trên sân khi bạn đang… ở trong nhà vệ sinh!
Tóm lại, chúng ta đang nói về “niềm vui ghi bàn”. Và cả thời gian bóng lăn nữa. Mới đây, Man City có pha làm bàn trải qua 44 đường chuyền ở trận gặp M.U. Pha bóng ấy kéo dài gần 2 phút (chính xác là 1 phút 55 giây). Nghĩa là nó bằng 1/30 thời gian bóng lăn trong một trận đấu thông thường. Và đấy là khoảng thời “tuyệt đỉnh đáng xem” trong một pha ghi bàn duy nhất. Bàn thắng ấy… quý giá đến mức độ nào?
Mở rộng vấn đề: Premier League đang có một mùa bóng đáng gọi là hay nhất xưa nay. Man City không chỉ có bàn thắng vào lưới M.U là đáng kể. Premier League cũng không chỉ có Man City là đáng kể. Ai cũng thấy rõ, Liverpool, Chelsea, và cả Arsenal mùa này nhìn chung đều mạnh hơn chính họ trong mùa bóng trước. Và ngay cả M.U, được cho là đang thất bại, cũng vừa có một kỷ lục cá nhân cho HLV Jose Mourinho (đạt cột mốc 300 trận đấu tại Premier League, và Mourinho là HLV có tỷ lệ thắng cao nhất trong số những HLV từng vươn đến cột mốc 300 trận).
Bàn thắng vẫn nhiều (bình quân 2,75 bàn/trận). Thời gian bóng sống luôn có vẻ rất cao. Nhưng khi cần, các đội mạnh gặp nhau trong mùa bóng này, chúng ta lại thấy một nét mới quan trọng về chuyên môn: họ rất biết hạn chế khả năng ghi bàn của đối phương. Không ai ghi được nhiều hơn 1 bàn trong các trận Liverpool – Man City, Chelsea – Liverpool, Tottenham – Man City, Arsenal – Liverpool. Đấy chính là quy luật: bàn thắng trong bóng đỉnh cao rất quý, bởi không phải cứ muốn ghi bàn là được.

Đánh giá ngay bài viết nhé!
Share.

Leave A Reply